(VietQ.vn) – Tết đến Xuân về cũng là dịp để tình trạng rượu ngoại nhập lậu hoành hành gây ra không ít hệ lụy cho người sử dụng.
Nhiều tỉnh thành phát hiện và thu giữ rượu ngoại nhập lậu
Cuối năm là thời điểm các hoạt động giao thương sôi động nhất, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng mạnh như bánh kẹo, mỹ phẩm, quần áo và đặc biệt là rượu bia. Điều này tạo cơ hội để những kẻ lợi dụng đưa hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và không rõ nguồn gốc xuất xứ vào thị trường, nhằm kiếm lời bất chính gây ra nhiều hệ lụy.
Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỗi năm cứ tới những ngày cận tết đơn vị này phải cấp cứu cho nhiều bệnh nhân ngộ độc vì rượu nhập lậu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thế nhưng, những loại rượu chưa được kiểm định này vẫn tràn lan ở thị trường với “mác” rượu ngoại nhập, rượu quê, rượu dân tộc…
Mới đây nhất Cục Cảnh sát môi trường vừa phối hợp cùng Công an quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh dịch vụ kho bãi của Công an TNHH đầu tư thương mại Phú Anh, địa chỉ tổ 11, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, lực lượng chức năng phát hiện xe 2 xe ô tô tải đang vận chuyển, bốc xếp hàng hóa là các thùng rượu có nhãn mác ghi bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ Tiếng Việt, không dán tem nhập khẩu.
Lái xe không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, số rượu ngoại trên cũng không dán tem rượu nhập khẩu theo quy định.
Lái xe cho biết đã được một người thuê vận chuyển từ Quảng Trị ra Hà Nội để tiêu thụ.Trong quá trình triển khai, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Đà Nẵng phát hiện nhiều vụ vận chuyển hàng hóa nhập lậu. Đáng chú ý đã điều tra và tạm giữ 6.000 chai rượu ngoại nhập, tổng giá trị các lô hàng ước tính khoảng 7 tỷ đồng. Thời điểm kiểm tra, số rượu lậu này không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Hiện các vụ buôn lậu, gian lận thương mại đang được lực lượng chức năng tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định.
Tại thành phố tỉnh Quảng Trị, lực lượng quản lý thị trường và Công an Quảng Trị đã “bóc gỡ” một kho rượu nhập lậu tại địa bàn phường 5, thành phố Đông Hà, Quảng Trị, thu giữ 477 chai rượu ngoại các loại. Số hàng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp; trên sản phẩm không được dán tem đối với sản phẩm rượu nhập khẩu theo quy định. Chủ hàng là ông Nguyễn Q.A sinh năm 1971 cho biết số rượu lậu được tập kết chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.
Theo thông tin từ Công an tỉnh Quảng Bình đã bắt giữ một xe ô tô tải chở gần 1.600 chai rượu ngoại nhập lậu. Tất cả số rượu ngoại này đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không dán tem nhập khẩu. Bước đầu, tài xế Lê Minh Hiếu 24 tuổi, ngụ tại tỉnh Quảng Nam khai nhận số rượu này được vận chuyển từ Quảng Trị ra Hà Nội để tiêu thụ, trên đường đi thì bị lực lượng chức năng phát hiện.
Nguy hại từ rượu nhập lậu
Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho biết, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 800 triệu lít rượu lưu thông trên thị trường, trong đó rượu công nghiệp chỉ chiếm 20%, còn lại là rượu nấu thủ công, rượu nhập lậu, rượu không rõ nguồn gốc chưa qua kiểm định chất lượng.
Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho biết, cuối năm các loại rượu bia ngoại nhập khẩu thường xuyên bị làm giả và tuồn vào thị trường. Những loại rượu này thường được sản xuất với chất lượng kém, chứa cồn công nghiệp hoặc các chất độc hại. Việc vô tư sử dụng và buôn bán rượu nhập lậu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng mà nhà nước cũng thất thu một khoản tiền không hề nhỏ.
Nhà nước sẽ thất thu ít nhất 3 loại thuế đó là thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (vì rượu bia là mặt hàng bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt), thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường rượu. Người tiêu dùng cũng vì thế mà vẫn lựa chọn sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc và không được kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành kế hoạch cao điểm đấu tranh phòng chống hàng giả, gian lận thương mại, hàng buôn lậu trước, trong và sau tết Nguyên đán. Tất cả các lực lượng đều ra quân, đặc biệt chú trọng vào lĩnh vực an toàn thực phẩm như thực phẩm chế biến sẵn, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát…
Việc buôn bán rượu nhập lậu là một trong những hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, việc buôn bán rượu nhập lậu sẽ bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội buôn lậu quy định tại điều 188, mục 1, chương XVIII, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo căn cứ này, cá nhân phạm tội buôn lậu sẽ bị phạt tiền từ 50 – 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Ngoài ra còn đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra hoặc pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm.